Các tác động sinh thái và địa lý đến sự hình thành các nhà nước buổi sớm Môi trường quyết định luận

Ảnh hưởng của các sản vật sẵn có, khí hậu và các trục lục địa trước năm 1500

Trong tác phẩm Súng, vi trùng và thép (1999) đoạt giải Pulitzer, tác giả Jared Diamond đã chỉ ra địa lý là câu trả lời cho việc tại sao một số nhà nước có thể phát triển nhanh và manh hơn những nhà nước khác. Thuyết của ông trích dẫn môi trường tự nhiên và nguyên liệu thô mà một nền văn minh được ban tặng như những yếu tố để thành công, thay vì những tuyên bố từ thế kỷ trước về tính ưu việt của chủng tộc và văn hóa. Diamond cho rằng những ưu đãi tự nhiên này bắt đầu từ buổi hồng bàng của con người, và các nền văn minh Á-Âu được hưởng lợi do vị trí dọc chiều vĩ độ, khí hậu canh tác thích hợp và quá trình thuần hóa động vật từ sớm.[26]

Diamond lập luận rằng các nhà nước ban đầu nằm dọc theo cùng vĩ độ đặc biệt thích hợp để tận dụng lợi thế của các vùng khí hậu tương tự, giúp cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác được lan truyền dễ dàng hơn. Các loại cây trồng như lúa mìlúa mạch rất dễ trồng và dễ thu hoạch, và các vùng thích hợp cho việc trồng trọt chúng có mật độ dân số cao và sự phát triển của các thành phố sơ khai. Khả năng thuần hóa động vật bầy đàn, vốn không hề sợ hãi con người, tỷ lệ sinh đẻ cao và hệ thống giai cấp bẩm sinh, đã mang lại cho một số nền văn minh lợi thế về lao động tự do, phân bón và động vật chiến tranh. Trục Đông-Tây của đại lục Á-Âu cho phép vốn tri thức và hệ thống chữ viết để theo dõi các kỹ thuật canh tác tiên tiến được truyền bá nhanh chóng, từ đó mà đem lại cho người dân khả năng lưu trữ và xây dựng dựa trên nền tảng kiến ​​thức qua nhiều thế hệ. Nghề thủ công phát triển mạnh khi lương thực dư thừa từ nông nghiệp cho phép một số nhóm người tự do khám phá và sáng tạo, dẫn đến sự phát triển của luyện kim và những tiến bộ trong công nghệ. Mặc dù địa lý thuận lợi đã giúp phát triển các xã hội sơ khai, nhưng sự gần gũi giữa con người và động vật đã dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh trên khắp Á-Âu. Trong vài thế kỷ, dịch bệnh lan tràn đã tàn phá nhiều quần thể, nhưng cuối cùng tạo ra các cộng đồng kháng bệnh. Diamond đề xuất rằng những chuỗi nhân quả này đã dẫn đến các nền văn minh châu Âu và châu Á giữ vị trí thống trị trên thế giới ngày nay.[26]

Diamond trích dẫn cuộc chinh phục châu Mỹ của các conquistador Tây Ban Nha, ông cho rằng người châu Âu đã tận dụng môi trường của họ để xây dựng các quốc gia rộng lớn và phức tạp hoàn chỉnh với công nghệ và vũ khí tân tiến. Người Inca và các nhóm thổ dân châu Mỹ khác không được may mắn như vậy, họ tuân theo trục Bắc-Nam ngăn cản dòng chảy của hàng hóa và kiến ​​thức trên khắp lục địa. Châu Mỹ cũng thiếu động vật để thuần hóa, kim loại và hệ thống chữ viết phức tạp của Á-Âu khiến họ không thể đạt được các biện pháp bảo vệ sinh học hoặc quân sự cần thiết để chống lại mối đe dọa từ Châu Âu.[26]

Tuy vậy, thuyết của Diamond vẫn còn nhiều điểm yếu:

  • Ông bị chỉ trích vì không cung cấp đủ chi tiết liên quan đến tính nhân quả của các biến số môi trường và để lại những khoảng trống logic trong lập luận. Nhà địa lý học Andrew Sluyter bình luận rằng, Diamond cũng thiếu hiểu biết như những kẻ phân biệt chủng tộc ở thế kỷ XIX. Sluyter đã thách thức lý thuyết của Diamond vì nó dường như cho rằng các điều kiện môi trường dẫn đến sự chọn lọc gen, sau đó dẫn đến sự giàu có và quyền lực cho một số nền văn minh nhất định. Sluyter công kích thuyết tất định của môi trường, lên án nó là một lĩnh vực được nghiên cứu chỉ dựa vào sự kết hợp "nhanh chóng và bẩn thỉu" của Diamond giữa khoa học tự nhiênkhoa học xã hội.[3]
  • Daron AcemogluJames A. Robinso cũng chỉ trích Diamond trong cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại. Họ cho rằng lý thuyết này đã lỗi thời và không thể giải thích hiệu quả sự khác biệt trong tăng trưởng kinh tế sau năm 1500 hoặc lý do tại sao các quốc gia gần nhau về mặt địa lý có thể bộc lộ sự khác biệt rất lớn về sự giàu có. Thay vào đó, họ ủng hộ một cách tiếp cận thể chế chính trị, trong đó thành công hay thất bại của một xã hội đều dựa trên sức mạnh cơ bản của các thể chế của nó.[3]

Địa lý và sự kiến thiết nhà nước Châu Phi thời tiền thuộc địa

Ảnh hưởng của khí hậu và sự trù phú đất đai đối với sự phát triển của hệ thống nhà nước

Trong cuốn Các quốc gia và quyền lực ở châu Phi, nhà khoa học chính trị Jeffrey Herbst đề xuất rằng các điều kiện môi trường giúp giải thích tại sao, trái ngược với các khu vực khác trên thế giới như châu Âu, nhiều xã hội tiền thuộc địa ở châu Phi không phát triển thành các xã hội giai cấp, định cư dày đặc với quyền kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước, cạnh tranh với các lân bang về con người và lãnh thổ.[27]

Herbst lập luận rằng kinh nghiệm xây dựng nhà nước ở châu Âu rất đặc trưng bởi vì nó xảy ra dưới áp lực địa lý có tính hệ thống, giúp tạo điều kiện cho các cuộc chiến tranh chinh phạt (cụ thể là địa hình dễ vượt, sự khan hiếm đất đai và mật độ dân số cao).[28] Đối mặt với mối đe dọa liên tục của chiến tranh, giới tinh hoa chính trị buộc phải cử quan lại và lực lượng vũ trang từ các trung tâm thành thị vào vùng nội địa nông thôn để tăng thuế, tuyển mộ binh lính và củng cố các vùng đệm. Do đó, các quốc gia châu Âu đã phát triển các thể chế mạnh mẽ và các liên kết ngoại vi với thủ đô.[28]

Ngược lại, các yếu tố địa lý và khí hậu ở châu Phi thời kỳ tiền thuộc địa khiến việc thiết lập quyền kiểm soát tuyệt đối với các vùng đất cụ thể trở nên vô cùng tốn kém.[29] Ví dụ, vì nông dân châu Phi sống dựa vào nông nghiệp sử dụng nước mưa và do đó đầu tư ít vào những mảnh đất cụ thể, họ có thể dễ dàng chạy trốn khỏi những kẻ thống trị thay vì chiến đấu.[30]

Một số đế quốc châu Phi thời kỳ đầu, kiểu như Đế quốc Ashanti, đã thành công trong việc củng cố quyền lực trên một lãnh thổ rộng lớn bằng cách xây dựng đường xá. Các chính thể tiền thuộc địa lớn nhất đã hình thành ở vành đai trảng cỏ Xu-đăng Tây Phi vì ngựa và lạc đà có thể vận chuyển quân đội trên địa hình nơi đây. Ở các khu vực khác, không có một nhà nước tập quyền nào tồn tại mà chỉ có những làng mạc lẻ tẻ.[31]

Ảnh hưởng của môi trường bệnh dịch

Tiến sĩ Marcella Alsan lập luận rằng sự phổ biến của loài ruồi xê xê đã cản trở sự hình thành nhà nước ban đầu ở Châu Phi.[32] Bởi vì virút xê xê có thể giết bò và ngựa, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi loài côn trùng này không thể dựa vào các lợi ích nông nghiệp do chăn nuôi mang lại. Các cộng đồng châu Phi không thể có của cải dư thừa, gieo trồng hoặc ăn thịt. Bởi vì môi trường dịch bệnh đã cản trở sự phát triển đó, các xã hội ban đầu ở châu Phi giống như các nhóm săn bắn hái lượm nhỏ chứ không phải các quốc gia tập quyền.[32]

Sự sẵn có tương đối của động vật chăn nuôi đã cho phép các xã hội châu Âu hình thành các thể chế tập quyền, phát triển các công nghệ tiên tiến và tạo ra mạng lưới nông nghiệp.[33] Họ có thể dựa vào gia súc của mình để giảm nhu cầu lao động chân tay. Chăn nuôi cũng làm giảm lợi thế so sánh của việc sở hữu nô lệ. Các xã hội châu Phi dựa vào nguồn nô dịch tù binh của các bộ tộc đối thủ ở nơi mà ruồi thịnh hành, điều này cản trở sự hợp tác xã hội lâu dài.[32]

Llamas, chuño và đế quốc Inca

Carl Troll lập luận rằng sự phát triển của nhà nước Inca ở trung tâm dãy núi Andes được hỗ trợ bởi các điều kiện tự nhiên cho phép sự sản xuất loại lương thực gọi là chuño. Chuño, có thể lưu trữ trong một thời gian dài, được làm từ khoai tây được làm khô ở nhiệt độ đóng băng vào ban đêm ở các vùng cao nguyên phía nam Peru. Điểm yếu của thuyết này là mối liên hệ giữa nhà nước Inca và khoai tây khô không phải độc nhất. Các loại cây trồng khác như ngô cũng có thể được dễ dàng bảo quản dưới ánh nắng mặt trời.[34] Troll nói thêm rằng lạc đà không bướu, súc vật thồ của người Inca, có thể được tìm thấy với số lượng lớn nhất ở chính khu vực này.[34] Điều đáng xem xét là cương vực lãnh thổ của Đế quốc Inca trùng hợp với phạm vi phân bố của lạc đà Alpaca và lạc đà không bướu.[35] Điều thứ ba, Troll đã chỉ ra công nghệ tưới tiêu có lợi cho việc xây dựng nhà nước của người Inca.[36] Trong khi Troll đưa ra lý thuyết về ảnh hưởng của môi trường lên Đế quốc Inca, ông phản đối thuyết tất định của môi trường, cho rằng văn hóa mới là cốt lõi của nền văn minh Inca.[36]